Lý do điện mặt trời mái nhà dư thừa không được bán
06:05 24/01/2024Lượt xem: 231
Bỏ tiền đầu tư điện mặt trời mái nhà nhưng người dân chỉ có thể bán cho EVN giá 0 đồng, do cơ quan quản lý lo ngại "mất an toàn hệ thống".
Lý do điện mặt trời mái nhà dư thừa không được bán
Bỏ tiền đầu tư điện mặt trời mái nhà nhưng người dân chỉ có thể bán cho EVN giá 0 đồng, do cơ quan quản lý lo ngại "mất an toàn hệ thống".
Tại Dự thảo Nghị định mới đây, Bộ Công Thương đề xuất người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà tự dùng được kết nối với hệ thống điện quốc gia và bán sản lượng dư cho EVN, nhưng với giá 0 đồng. Điện dư thừa cũng không được phép bán cho các tổ chức, cá nhân khác. Thậm chí, cơ quan soạn thảo còn dự kiến bổ sung quy định để người dân lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát lên hệ thống.
Nguyên nhân chính được Bộ Công Thương lý giải là lượng điện dư thừa có thể ảnh hưởng tới an toàn, an ninh hệ thống điện.
Hiện năng lượng mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết nhưng đây là các yếu tố bất định. Khi không có bức xạ mặt trời (mây, mưa hoặc ban đêm), lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện. Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. Như vậy, theo Bộ Công Thương, cần phải có sự quản lý, giám sát của nhà nước để đảm bảo vận hành an toàn.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng muốn kiểm soát tổng quy mô công suất trên cả nước theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt. Cụ thể, đến năm 2030, nguồn điện mặt trời mái nhà được tăng 2.600 MW. Đến cuối tháng 7, còn hơn 1.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 399,96 MW đã được liên kết với lưới điện chờ bổ sung vào quy hoạch. Do đó, tổng công suất còn lại được kết nối hệ thống từ nay đến 2030 chỉ còn khoảng 2.200 MW. "Khi tổng công suất vượt 2.600 MW sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn điện của hệ thống", Bộ Công Thương nêu.
Chuyên gia năng lượng, PGS.TS Trần Văn Bình, cũng cho rằng nguồn điện mặt trời, điện gió có độ tin cậy thấp trong khi hệ thống điện phải đảm bảo vận hành ổn định. Do đó, hệ thống cần tính toán nguồn điện tái tạo này chiếm tỷ lệ bao nhiêu để đảm bảo.
"Điện là mặt hàng đặc biệt, cần bao nhiêu sản xuất bấy nhiêu, không giống như các ngành khác có thể sản xuất trước rồi đem cất vào kho dự trữ", ông diễn giải. Theo chuyên gia, hiện có một số nước như Singapore hay Mỹ có thể lưu trữ điện lên tới 200 MW nhưng với Việt Nam, đây vẫn là câu chuyện của tương lai. "Việt Nam phải 10-20 năm nữa mới có thể nghĩ tới. Rõ ràng hệ thống sẽ có khó khăn và nhà điều hành không khuyến khích vì lý do đó", ông nói.
Ông Bình dẫn ví dụ, một trang trại điện mặt trời 100 MW nếu gặp cơn mưa bất chợt sẽ sập nguồn ngay lập tức. Lúc đó, đòi hỏi hệ thống điện phải bù ngay lập tức 100 MW từ các nguồn khác. Nếu không có nguồn bù vào sẽ khiến hệ thống điện sập nguồn, tức phải cắt điện ngay.
Khi điện mặt trời mái nhà được bổ sung quá nhiều vào hệ thống điện, sẽ dẫn tới sự mất cân đối. Do đặc tính thời tiết, sản xuất điện từ bức xạ mặt trời nên điện mặt trời chỉ phát được ban ngày, không thể phát vào buổi tối - thời điểm nhu cầu sử dụng điện cao. Do đó, nếu chiếm tỷ trọng cao thì cần các nguồn điện chạy nền khác (phần lớn là nhiệt điện, thủy điện) "gánh vác" để hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn. Tuy nhiên do hiện tỷ trọng dự phòng nguồn điện khá thấp, khi chưa có giải pháp về tích trữ điện đồng bộ ở quy mô quốc gia thì tỷ trọng điện mặt trời hòa lưới cần được giới hạn để đảm bảo vận hành ổn định.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng từng thừa nhận tại Quốc hội hồi tháng 11 rằng phải có nguồn điện phục vụ chạy nền ổn định thì mới có thể phát triển không giới hạn về công suất với điện mặt trời áp mái. Có nghĩa là, công nghệ và hệ thống truyền tải phải phát triển hơn nữa.
Công nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại TP HCM, tháng 10/2020. Ảnh: Hoàng Minh
Giới phân tích cho rằng, những đề xuất như hiện tại đồng nghĩa các chính sách của Nhà nước chưa khuyến khích các hoạt động kinh doanh mua bán điện năng lượng mặt trời mái nhà của các tổ chức, cá nhân nhỏ lẻ, bao gồm cả bán cho EVN.
Thực tế, điện từ các tấm pin mặt trời khi không sử dụng hết sẽ phải xả để vận hành ổn định nguồn điện, không hại thiết bị. Nghĩa là, khi không phát lên lưới, người dân phải đầu tư thêm hệ thống lưu trữ, dẫn đến tăng chi phí đầu tư, tăng nguồn lực xã hội khi xử lý môi trường sau này.
Theo tính toán của chuyên gia Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng lưu trữ, người cũng đang tư vấn cho doanh nghiệp ở Việt Nam, một dự án trạm dịch vụ dừng đỗ xe có diện tích 8.000 m2 có thể lắp tối đa giàn pin 2.000 m2. Doanh nghiệp đầu tư trạm dừng này sẽ phải bỏ ra hơn 2 tỷ đồng cho hệ thống điện quang và hơn 5 tỷ đồng cho hệ thống lưu trữ để có thể sử dụng vào ban đêm.
Với hộ gia đình, công ty nhỏ có thể bỏ ra 40-50 triệu đồng cho một hệ thống năng lượng mặt trời 1-3 kW với giàn pin 10-30 m2. Chi phí có thể tăng gấp đôi nếu đầu tư hệ thống tương tự nhưng có lắp đặt thiết bị lưu trữ. Chi phí đầu tư tăng làm kéo dài thời gian thu hồi vốn. Với khoản đầu tư ban đầu 100 triệu đồng, nếu một hộ gia đình sử dụng điện 2-3 triệu đồng một tháng, sẽ mất khoảng 3-5 năm để hoàn vốn thay vì chỉ 2 năm như trước.
Với chi phí tương đối lớn bỏ ra như vậy, TS Ngô Trí Long cho rằng mức giá 0 đồng "là không khuyến khích người dân làm điện mặt trời mái nhà". Tuy nhiên, ông cũng lưu ý thực trạng hệ thống truyền tải điện của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nếu để phát triển ồ ạt. Do đó, bài toán đặt ra ở đây là phải đầu tư hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống truyền tải để khi tiếp nhận nguồn điện tái tạo không làm ảnh hưởng tới an toàn hệ thống.
Điểm nghẽn này cũng từng được TS. Nguyễn Anh Tuấn, Nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), nhắc tới. Ông Tuấn cho rằng Chính phủ và Bộ Công Thương cần sớm ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Điện lực, đặc biệt các cơ chế chính sách cho tư nhân đầu tư hệ thống truyền tải điện riêng và vận hành hệ thống do họ tự đầu tư.
Thay cho phương án mua bán điện, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình đề xuất cơ chế khuyến khích đầu tư và tiêu thụ trong một khu vực lân cận (làng, xã, khu phố). Chính sách này kỳ vọng sẽ giảm áp lực về vốn đầu tư và tránh lãng phí nguồn điện sạch.
Nói "không nhất trí với đề xuất", chuyên gia Trần Văn Bình cho rằng nên ưu đãi, nhất là với miền bắc phải có trợ giá để người dân đầu tư điện mặt trời mái nhà. Ông đề xuất cho lắp công tơ 2 chiều để "lúc thừa thì người dân có thể đẩy lên lưới 0 đồng, lúc thiếu thì hệ thống bù trừ lại phần điện đó cho người dân".
"Công tơ 2 chiều các nước làm rồi, quản lý khó khăn thì có thể mua luôn phần mềm đó của họ để làm", ông Bình nói. Ông nhẩm tính, nếu theo Quy hoạch điện VIII, 50% hộ gia đình là 13 triệu hộ, mỗi hộ đầu tư 3-5 KW sẽ mang đến một nguồn năng lượng khổng lồ. Cùng với đó, theo chuyên gia này, vai trò Nhà nước ở đây là phải quan tâm đến chất lượng các thiết bị điện mặt trời để đảm bảo chất lượng, khả năng thu hồi vốn cho dự án.
Hiện một số quốc gia có chính sách mua bán điện mặt trời mái nhà dư thừa từ người dân như Đức, Mỹ hay điển hình là Australia. Nước này xây dựng biểu giá FIT để thanh toán cho lượng điện bán lên lưới của các hộ lắp điện mặt trời mái nhà. Mức giá và điều kiện thực hiện có thể khác nhau theo từng công ty bán lẻ điện. Việc áp dụng giá FIT giúp cho giảm thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư.
Tại Mỹ, để thay đổi chính sách ưu đãi, bao gồm mức giá mua lại điện dư thừa từ pin mặt trời, cơ quan quản lý tiện ích ở mỗi bang phải bỏ phiếu bầu.
Mức giá mua điện tại các nước cũng áp dụng đa dạng, thậm chí có thể mua với mức giá âm. Như Trung Quốc, một quốc gia có chính sách mua điện dư thừa của người dân, năm ngoái đã bổ sung hơn 51 GW điện mặt trời quy mô nhỏ. Tuy nhiên, tốc độ lắp đặt chóng mặt khiến lưới điện ở một số khu vực quá tải. Sơn Đông, một tỉnh của Trung Quốc, gần đây còn công bố chính sách mua điện mặt trời giá âm để hạn chế nguồn cung trong các thời điểm dư thừa sản lượng.